Sau khi xác định bệnh nhi 3 tháng tuổi viêm ruột nặng vì nhiễm giun, các bác sĩ hỏi lại người mẹ thì được biết, trước đó gia đình đã cho bé bú sữa pha nước sông không được đun sôi.
Đó là trường hợp của bé gái D.T.M.T. (3 tháng tuổi, ngụ Kiên Giang).
Trước đó khi thấy con bị tiêu chảy nhiều kèm sốt, gia đình đã đưa bé đến phòng khám tư điều trị 8 ngày không khỏi. Đến khi người mẹ thấy bé tái nhợt da và môi mới lo lắng đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Tại bệnh viện huyện, bé được điều trị thêm 7 ngày với kháng sinh, truyền hồng cầu lắng. Vì tình trạng tiêu phân đen vẫn còn, đồng thời bệnh nhi ói ra dịch xanh nên được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) trong tình trạng sốc mạch nhanh, huyết áp khó đo, bụng chướng, da xanh tái, niêm nhợt nhạt, chỉ số hồng cầu trong máu (Hct) chỉ còn 14% (bình thường 28-32%).
Sau khi thăm khám và chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa, viêm ruột, nhiễm trùng huyết, ê-kíp điều trị cho bệnh nhi truyền dịch chống sốc, truyền máu và các chế phẩm máu, dùng kháng sinh.
Bệnh nhi được hội chẩn toàn viện, với chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa dưới kéo dài, chưa loại trừ do viêm túi thừa meckel (túi phình ngoài thành ruột non). , Tiếp tục nội soi ổ bụng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị viêm phù nề niêm mạc dạ dày, tá tràng và đoạn cuối hồi tràng, nhiễm giun.
Bé T. được chuyển qua khoa Hồi sức ngoại tiếp tục điều trị hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, truyền máu, dùng kháng sinh và thuốc xổ giun albendazole. Sau hơn 1 tuần điều trị, trẻ tỉnh táo, hồng hào, hết xuất huyết tiêu hóa, cai máy thở, bú khá.
Lúc này qua trao đổi với bác sĩ, người mẹ cho biết, ở nhà bé T. được cho bú sữa bằng nước sông lắng phèn, không được đun sôi, nên nghi ngờ trứng giun xâm nhập từ đây.
Từ trường hợp này, bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh cần lưu ý chăm sóc con em kỹ lưỡng, bằng cách ăn chín, uống sôi. Phải rửa tay khi chế biến thức ăn, vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo trẻ không bị lây nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng.