Gout và viêm khớp dạng thấp vốn là bệnh lý về khớp. Tuy nhiên có thể phân biệt hai dạng bệnh này từ các triệu chứng và đặc điểm dưới đây.
Bệnh gout và viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp (RA – Rheumatoid Arthritis) là bệnh lý viêm khớp tự miễn mạn tính, do tổn thương xuất phát từ màng hoạt dịch của khớp. Đây là bệnh lý phổ biến nhiều ở nữ so với nam, thường ở độ tuổi trung niên, đi kèm với các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng rõ ràng.
Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ thống miễn dịch, vốn có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn/virus, gặp trục trặc và tấn công các mô lành trong cơ thể. Hậu quả là gây viêm bao hoạt dịch khiến cho các khớp trở nên sưng, nóng, đỏ và đau. Người bệnh có nguy cơ tàn phế và tổn thương nhiều cơ quan khác, chẳng hạn như mắt, tim, phổi, da, mạch máu…
Viêm khớp dạng thấp thường gây ảnh hưởng đến các khớp đối xứng trong cơ thể, chẳng hạn như cả hai tay, hai cổ tay hoặc hai đầu gối. Đây chính là điểm phân biệt bệnh lý viêm khớp RA với các loại viêm khớp khác. Nếu tình trạng viêm xuất hiện ở nhiều khớp (thông thường từ 4 – 5 vị trí) thì được gọi là viêm đa khớp dạng thấp.
Gout là một dạng viêm khớp gây đau khớp và sưng khớp, những vết sưng thường kéo dài trong một hoặc hai tuần, sau đó biến mất. Vết sưng do bệnh gout thường bắt đầu ở ngón chân cái hoặc chi dưới.
Bệnh gout xuất hiện khi nồng độ muối urat trong huyết thanh tích tụ trong cơ thể tăng cao. Khi điều này xảy ra, các tinh thể hình kim hình thành trong khớp và xung quanh khớp. Tình trạng này dẫn đến viêm và viêm khớp. Tuy nhiên, nhiều người có nồng độ muối urat trong huyết thanh cao lại không bị bệnh gout .
Khi được chẩn đoán sớm, điều trị cũng như thay đổi lối sống, bệnh gout là một trong những dạng viêm khớp dễ kiểm soát nhất.
Phân biệt đau do mắc gout và viêm khớp dạng thấp
Vị trí khớp bị đau
Đối với bệnh gout, vị trí khớp bị đau thường là ở các khớp ngón chân, chủ yếu là ngón cái. Những vị trí ít phổ biến hơn đó là mắt cá chân, đầu gối, giữa bàn chân và khuỷu tay.
Trong khi đó, bị viêm khớp dạng thấp thường đau nhiều ở các khớp đối xương như đầu gối, khuỷu tay, mắt cá chân… Thời gian đầu bệnh sẽ có xu hướng phát triển ở các vùng ngón tay trước.
Đặc điểm các cơn đau khớp
Bệnh nhân bị gout thường sẽ thấy các khớp bị sưng đỏ nhiều hơn và phải trải qua các cơn đau dữ dội, gây khó khăn cho việc đi lại. Mỗi đợt đau thường diễn ra nhanh và đạt đỉnh điểm trong 24 tiếng đồng hồ. Cùng với cảm giác đau là tình trạng nóng rát ngoài da, chỉ cần gió quạt thổi qua thôi cũng sẽ thấy đau đến mức không chịu nổi.
Các cơn đau của viêm khớp dạng thấp cũng khá dữ dội nhưng thường diễn ra từ từ và chỉ đau bên trong khớp. Cơn đau có thể không quá rõ rệt ở giai đoạn đầu, người bệnh chỉ cảm thấy nhức khớp, mỏi khớp trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cơn đau do viêm khớp dạng thấp vẫn sẽ kéo dài nếu như người bệnh không điều trị.
Còn cơn đau do gout chỉ kéo dài trong khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn (kể cả khi bệnh nhân chưa điều trị).
Chẩn đoán, điều trị và dự phòng viêm khớp dạng thấp và gout
Để điều trị được, điều quan trọng là phải xác định các triệu chứng của bệnh gout và viêm khớp dạng thấp. Để chẩn đoán bệnh gout, các bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm máu để đo lượng axit uric trong máu. Trong khi đó, viêm khớp dạng thấp có thể khó chẩn đoán trong giai đoạn đầu vì các dấu hiệu giống với nhiều bệnh khác.
Về điều trị, bệnh nhân bị gout được kê đơn thuốc và được yêu cầu thay đổi chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt. Trong trường hợp viêm khớp dạng thấp, thuốc có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh. Ngoài vật lý trị liệu (OT), theo dõi liên tục và phẫu thuật là một số lựa chọn khác.
Cách dự phòng
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với các bệnh nhân mắc bệnh lý về khớp. Vì thế cần thực hiện:
- Hạn chế ăn nhiều thực phẩm giàu purine vì sẽ làm tăng nồng độ axit uric huyết thanh, gây ra đau khớp. Các thực phẩm đó bao gồm nội tạng, thịt đỏ, hải sản, rượu và bia.
- Áp dụng thực đơn ăn uống khoa học: trong bữa ăn nên bổ sung nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt và ưu tiên tiêu thụ nguồn protein có trong cá, thịt gà.
- Tập thể dục điều độ, luyện tập nhẹ nhàng các môn như đạp xe, bơi lội, đi bộ…
- Khám sức khỏe định kỳ và điều trị sớm nếu phát hiện bệnh sớm để tránh những biến chứng không đáng có như cứng khớp, tàn phế…