Nhiều người ăn đồ ăn vặt dù biết chúng có hại. Các nhà tâm lý học cho biết lý do bao gồm thói quen, các mối liên hệ sâu xa và sự thèm muốn chất béo từ thời nguyên thủy.
Cơ thể Morgan Hines, nhà báo của USA Today, không dung nạp lactose và cô biết mình nên theo dõi cẩn thận lượng cholesterol, nhưng cả 2 điều này đều không thể ngăn cô khỏi món tráng miệng bằng phô mai hoặc kem.
Trong khi ăn, cô biết rằng những lựa chọn của cô không có lợi cho tương lai. Cô luôn cảm thấy tội lỗi sau đó, nhưng vẫn tiếp tục lặp lại chu kỳ này.
Cô không biết tại sao mình cứ làm thế. Cô thề rằng cô sẽ dừng lại. Không biết bao nhiêu lần cô tự nhủ: “Mình sẽ không ăn thêm bất kì miếng phô mai nào nữa” hoặc “Mình sẽ tránh xa đường”. Nhưng bằng cách nào đó, cô vẫn thèm ăn những thứ cô không nên ăn.
Cô không phải người duy nhất chật vật với điều này. Khi cô chia sẻ vấn đề trong quá trình ra quyết định của bản thân lên Twitter, nhiều người cũng chia sẻ câu chuyện của họ về các loại thực phẩm họ ăn dù được khuyến cáo là tránh xa chúng.
Zach Honig viết rằng dẫu biết mình dễ bị gout, anh ấy vẫn thưởng thức rượu vang đỏ, thức ăn chứa hàm lượng chất béo cao và bia. Anh nói: “Tôi chỉ đối phó với các cơn gout khi chúng xuất hiện mà thôi”.
Giống như cô, Victoria M. Walker, từ chối việc bỏ các sản phẩm từ sữa. Một người dùng khác cũng trả lời rằng họ bị u nang và không nên uống cà phê, nhưng đôi khi họ vẫn uống vì nó mang lại sự thoải mái.
Tại sao chúng ta tiếp tục ăn thực phẩm mình không nên ăn?
Chưa có câu trả lời chính xác. Lý do để mọi người chọn đồ ăn phụ thuộc vào từng cá nhân, hoàn cảnh và các yếu tố khác nhau.
Bộ não không lý trí
David Creel, nhà tâm lý học, chuyên gia dinh dưỡng đã được cấp phép bởi Viện chuyển hóa và chuyên khoa béo phì Cleveland Clinic ở Mỹ, cho biết tất cả các loại thực phẩm đều có thể tạo nên chế độ ăn uống lành mạnh.
Nhưng chúng ta vẫn chọn ăn nhiều thực phẩm kém lành mạnh ngay cả khi thấy trước hậu quả tiêu cực như đau bụng hoặc mức cholesterol cao.
Ông Creel nói: “Một số người thực sự nghĩ về điều đó. Họ có thể phân tích mặt lợi, hại của hành động với các câu hỏi như tôi sẽ nhận được gì từ điều này? Tôi phải trả giá gì? Và họ đưa ra quyết định dựa trên điều đó”.
Nhưng đó không phải là cách bộ não của tất cả chúng ta hoạt động. Đối với người khác, thói quen đóng vai trò then chốt. Rất nhiều người chỉ làm những gì quen thuộc với họ và không suy nghĩ nhiều.
Ông Creel nói: “Từ những người nghiên cứu não bộ, chúng tôi biết có 2 yếu tố thúc đẩy khác nhau: chúng ta thích đồ ăn đó và chúng ta thèm muốn nó”.
Cả 2 đều quan trọng. Nếu ai đó đang có cảm giác thèm ăn, thì đó là trải nghiệm “muốn”. Nó tương tự khi ai đó hút thuốc và được hỏi họ có thích hút thuốc không. Họ có thể không “thích”, nhưng họ có “thèm” thuốc. Một số trạng thái cảm xúc nhất định cũng khiến bạn thèm ăn các loại thực phẩm cụ thể.
Trải nghiệm “thích” xuất hiện sau khi ăn hoặc trải nghiệm món ăn. Ông Creel nói đôi khi, “thích” và “muốn” bổ sung lẫn nhau, nhưng chúng xảy ra ở các vùng não khác nhau.
Về mặt sinh lý học, cách chúng ta quyết định những gì chúng ta muốn ăn rất phức tạp. Nó cũng khác nhau tùy thuộc vào đối tượng.
Sự cám dỗ
Thực phẩm có mùi vị ngon và có vẻ “hứa hẹn” sẽ hấp dẫn nhiều người.
Charles Spence, giáo sư tâm lý học thực nghiệm tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh cho biết: “Lý do chúng ta tiêu thụ những thứ mà chúng ta không nên thường do chúng ta bị thu hút bởi mùi hoặc hương vị. Thật khó để cưỡng lại sự cám dỗ của đường, muối hoặc chất béo”.
Một phần lý do tại sao thức ăn ngon cũng dựa trên mối liên hệ giữa chúng ta với những thực phẩm đó.
Ví dụ cách chúng ta xác định thực phẩm nào là an toàn dựa trên liên tưởng. Ông Creel gắn liền bánh quy bơ tự làm tại nhà với hình ảnh bà của mình. Điều kiện từ quá trình nuôi dạy của chúng ta góp phần vào cách chúng ta liên tưởng thức ăn và thời điểm chúng ta muốn ăn chúng.
Giáo sư Spence nói con người có xu hướng ưu tiên những gì xảy ra trong hiện tại hơn tương lai. Mọi người có thể bị thu hút nhiều bởi những thực phẩm có hương vị tuyệt vời bởi vì chúng ta đánh giá cao điều đó hơn.
Theo giáo sư Spence, cách chúng ta chọn những gì chúng ta ăn cũng liên quan đến lịch sử và sự tiến hóa của loài người. Bộ não của con người chú ý nhiều hơn đến những thực phẩm giàu năng lượng, đặc biệt là thực phẩm giàu chất béo. Ông cho rằng chúng ta đã tiến hóa để não cảm thấy những thực phẩm đó hấp dẫn vì tại một thời điểm nào đó, loài người rất cần chúng để tồn tại.
Từ lâu, có lẽ con người phải vật lộn để tìm đủ thức ăn. Nhưng hiện nay, nhiều người trong chúng ta đang sống trong một “môi trường thức ăn phong phú”.
Giáo sư Spence nói: “Bộ não phát triển để nuôi dưỡng, kiếm ăn và quan hệ tình dục. Tất cả chúng ta đều khó có thể kiểm soát cái gọi là những ham muốn cổ xưa”.
Làm thế nào để tự cứu mình?
Ông Creel thường khuyến khích bệnh nhân nên tạm dừng trước khi hành động và cân nhắc lựa chọn của họ. Không phải xem xét thứ này “bị cấm” hay không mà coi đó là 2 lựa chọn với kết quả khác nhau.
Ông giải thích nếu chúng ta tự nhủ “Tôi nên ăn cái này”, “Tôi không nên ăn cái kia” thì khả năng cao là chúng ta sẽ không thể làm theo những gì mình dự tính.
Ví dụ, nếu chúng ta nói với chính mình “Tôi nên ăn một quả táo” và “Tôi không nên ăn bánh ngọt”, bạn ăn quả táo và cảm thấy mình bỏ lỡ chiếc bánh, hoặc ăn bánh và cảm thấy tội lỗi vì bạn không ăn táo.
Nhưng nếu bạn xem xét các loại thực phẩm như những lựa chọn và cân nhắc kết quả, hành động của bạn có thể sẽ thay đổi.
Ông Creel gợi ý thay đổi từ “nên” thành “có thể” cho phép bạn tự do đưa ra quyết định mà không phải cảm thấy tội lỗi.
Nếu bạn “có thể” ăn một quả táo hoặc bạn “có thể” ăn bánh, thì quyết định của bạn sẽ như sau: bạn có thể chọn ăn một quả táo mà bạn nghĩ rằng mình sẽ thích, hoặc bạn có thể chọn thưởng thức chiếc bánh vì nó là loại bánh bạn yêu. Bạn không có cảm giác tội lỗi vì bạn đã quyết định một cách có ý thức rằng việc ăn chiếc bánh là xứng đáng.
Đưa ra quyết định có cân nhắc không chỉ giúp loại bỏ cảm giác tội lỗi mà còn khiến bạn tránh những lựa chọn kém lành mạnh hơn cũng như giúp bạn thưởng thức tất cả các loại thức ăn ngon miệng hơn.
Ông Creel chia sẻ thêm: “Tôi nghĩ rằng nó thực sự có thể giúp ích cho cả 2 mặt của vấn đề khi vừa giúp mọi người không tiêu thụ quá nhiều thực phẩm không lành mạnh, vừa thúc đẩy việc ăn uống thực phẩm lành mạnh hơn”.