GiadinhNet – Khi bị ho kéo dài, tốt nhất bạn cần đi khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán chính xác và đưa ra phương hướng điều trị kịp thời, hiệu quả.
Thời điểm giao mùa, thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp. Đây chính là môi trường thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp hoạt động mạnh. Do đó đây là thời điểm bùng phát rất nhiều bệnh đường hô hấp.
Những bệnh hô hấp thường gặp lúc giao mùa như: cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi và những bệnh mạn tính dễ tái phát như: hen phế quản, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)… Một trong những biểu hiện điển hình nhất của các căn bệnh này là gây ho, ho nhiều về sáng. Đây là nỗi ám ảnh của nhiều người với mong muốn bằng cách này hay cách khác để dứt cơn ho.
Theo các bác sĩ, ho đêm kéo dài có thể là dấu hiệu của hen suyễn nhưng cũng có thể cơn ho không phải là dấu hiệu gì đáng sợ mà đôi khi ho còn là cách tống hết đờm, dịch ở họng ra ngoài.
Nhiều người vì muốn dứt cơn ho nên dùng nhiều loại thuốc. Tuy nhiên, đó là những tâm lý sai lầm, bởi ho đôi khi lại là tốt. Nhiều cơn ho thực sự lại có lợi bởi ho sẽ giúp tống ra ngoài dịch nhầy, đờm… để người bệnh nhanh khỏi hơn. Để an toàn, tốt nhất người bệnh cần đi khám để tìm ra nguyên nhân gây ho và điều trị đúng hướng.
7 nguyên nhân gây ho đờm vào buổi sáng, người bệnh cần cảnh giác
Ho đờm vào mỗi buổi sáng là một tình trạng bệnh lý thường gặp, do nhiều nguyên nhân gây ra
– Ho do cảm lạnh là nguyên nhân gây ho có đờm thường gặp nhất. Trung bình mỗi người sẽ bị cảm lạnh 2-3 lần mỗi năm, đôi lúc lượng đờm quá nhiều do ứ đọng trong đêm sẽ làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu, đi kèm với đờm là các triệu chứng: Đau rát họng, đau mỏi người, mệt mỏi, đau đầu, hắt hơi, chảy mũi.
– Ho do mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp: Bên cạnh các triệu chứng như cảm cúm thì người bệnh cũng có thể có các triệu chứng như: Sốt, mệt mỏi nhiều, tiếng khò khè, cảm giác tức ngực, ngạt mũi, hội chứng dạ dày ruột.
– Ho do dị ứng: Là phản ứng miễn dịch với các dị nguyên như bụi, nấm mốc, lông vũ, phấn hoa, các chất thải của vi sinh vật. Các triệu chứng bao gồm: Chảy mũi, ngạt mũi, ho khan, đau đầu, chảy nước mắt, tiếng cò cử, khó thở. Vì mạt bụi có xu hướng sống trong chăn, gối, đệm nên những người dị ứng với mạt bụi thường có triệu chứng ho đờm nặng lên vào buổi sáng.
– Ho do bị chảy mũi sau: Là tình trạng cơ thể tăng tiết nhầy nhớt và ứ đọng vùng vòm họng, sau đó sẽ nhỏ giọt xuống cổ họng. Nguyên nhân có thể do lạnh, dị ứng, các thức ăn nhiều chất cay. Triệu chứng bao gồm: Luôn đằng hắng, khụt khịt để làm sạch vùng cổ họng; Ho có đờm vào ban đêm và về sáng; Buồn nôn; Rát cổ họng; Hơi thở hôi.
– Ho do viêm phế quản: Là tình trạng viêm các đường ống dẫn khí vào phổi, có thể là bệnh cấp tính hoặc mãn tính. Tình trạng cấp tính thường gây nên bởi nhiễm trùng các vi khuẩn, vi rút đường hô hấp. Tình trạng mãn tính thường gây nên do hút thuốc lá. Triệu chứng viêm phế quản bao gồm: Ho có đờm, cảm giác khò khè ở ngực, nặng ngực, sốt nhẹ hoặc ớn lạnh. Những người bị viêm phế quản thường có đờm nhiều lên vào mỗi buổi sáng.
– Ho do hen suyễn: Là tình trạng phản ứng dị ứng gây nên tình trạng viêm mãn tính, dẫn đến hẹp lòng phế quản, hậu quả là người bệnh sẽ bị khó thở từ nhẹ đến mức có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Các triệu chứng hen suyễn bao gồm: Ho có đờm hoặc ho khan, tiếng cò cử, khó thở, nặng ngực, mệt mỏi.
– Ho do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Là tình trạng viêm phế quản mãn hoặc giãn phế nang, bệnh thường gây ra do hút thuốc lá nhiều năm. Triệu chứng chính là ho đờm và khó thở, các triệu chứng kèm theo là tiếng cò cử, tức ngực, mệt mỏi thường xuyên, bệnh tái phát lại nhiều lần. Ngoài ra, tình trạng thiếu oxy ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính còn dẫn đến môi tím, móng tay có màu xám, lú lẫn, nói và thở dốc, nhịp tim nhanh. Triệu chứng có thể xuất hiện bất kỳ vào thời điểm nào trong ngày nhưng nặng hơn và thường gặp hơn vào buổi sáng
– Ho do bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Khoảng 25% người bệnh trào ngược dạ dày thực quản bị ho có đờm vào buổi sáng. Tình trạng này xảy ra khi dịch axit của dạ dày chảy ngược vào thực quản và ảnh hưởng đến các triệu chứng ở cổ họng. Các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản bao gồm: Ho mãn tính, cảm giác nóng ở ngực hoặc sau khi ăn, đau ngực, nuốt vướng, cảm giác có cục ở trong cổ họng.
Để hạn chế cơn ho, trước hết người bệnh cần
– Hạn chế ăn uống sát giờ đi ngủ.
– Hạn chế ăn các loại thức ăn kích thích ho nhiều hơn như tôm, cua, ghẹ…
– Trước khi ngủ, nên uống 1 thìa mật ong ấm để hạn chế cơn ho, làm cơn ho dịu đi và giúp con ngủ ngon hơn.
– Hãy kê cao gối khi ngủ ngủ, đầu và vai cao hơn thân, ngăn đờm nhớt hay nước mũi ứ lại ở họng.
– Tránh để trẻ tiếp xúc với khói xe cộ, khói thuốc lá và bụi, giữ vệ sinh mũi họng và môi trường sống.