GiadinhNet – Theo các chuyên gia, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư ở Việt Nam ngày càng tăng do các nguyên nhân dưới đây. Việc ứng dụng điện quang và y học hạt nhân đã mang lại nhiều kết quả trong việc tầm soát và điều trị kịp thời bệnh ung thư và nhiều bệnh lý khác.
7 nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc, tử vong ung thư cao
Năm 2020, theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan), tỉ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 9 bậc xếp thứ 90/185 quốc gia, từ 165.000 ca mới vào năm 2018 lên 182.000 ca mới và tỉ lệ tử vong tăng 6 bậc xếp 50/185 sau 2 năm. Trong đó 5 loại ung thư phổ biến nhất gồm: Ung thư gan (14,5%), ung thư phổi (14,4%), ung thư vú (11,8%), ung thư dạ dày (9,8%) và ung thư đại trực tràng (9%)…
Chia sẻ tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 23 và Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, GS.TS. Mai Trọng Khoa, Nguyên Phó giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cho biết, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư ở Việt Nam ngày càng tăng không phải một nguyên nhân mà tổng hợp của nhiều yếu tố.
+ Thứ nhất là dân số tăng. Hiện dân số Việt Nam đang là gần 100 triệu người. Số người mắc bệnh không lây nhiễm trong đó có ung thư cũng tăng lên. Hơn nữa, tình trạng già hóa dân số dẫn tới tần suất xuất hiện ung thư ở những người có tuổi là rất cao.
+ Thứ hai chất lượng cuộc sống cải thiện, tăng lên. Con người quan tâm hơn đến sức khỏe nên tầm soát ung thư nhiều hơn nhờ đó tỷ lệ phát hiện được nhiều hơn.
+Thứ ba là công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe gia tăng, ý thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Thay vì không đi khám sẽ không phát hiện ra bệnh, người dân giờ đi khám nên phát hiện bệnh từ sớm, việc điều trị dễ dàng hơn.
+ Thứ tư là công nghệ phát triển. Với sự phát triển đó, việc phát hiện bệnh đã tốt hơn. Máy móc thiết bị nhiều, kỹ thuật công nghệ cao giúp phát hiện ra những khối u rất nhỏ, ở giai đoạn rất sớm dẫn tới các ca mắc ung thư có xu hướng tăng.
+ Thứ năn là môi trường sống không phải là nguyên nhân chính dẫn tới ung thư nhưng lại ảnh hưởng. Nếu sống lâu ở môi trường bẩn, không khí ô nhiễm, thức ăn không đảm bảo… sẽ là yếu tố nguy cơ cao dẫn tới ung thư.
Ngoài ra thói quen sống ít vận động, ăn uống không khoa học, uống rượu bia, dùng chất kích thích… là nguyên nhân dẫn tới một số bệnh ung thư dễ gặp như ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi…
Theo chuyên gia, tỷ lệ mắc ung thư ngày càng tăng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho chất lượng dân số. Điều này đòi hỏi phải có những biện pháp để phòng ngừa sớm. Việc đi tầm soát sớm để kịp thời phát hiện ra bệnh là điều rất cần thiết. Hiện nay việc chẩn đoán bệnh không chỉ dựa vào nhìn, sờ, nghe, gõ bằng tay mà còn ứng dụng các kỹ thuật hiện đại.
Điện quang và y học hạt nhân giúp phát hiện bệnh dễ dàng hơn
GS.TS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam cho rằng, quan trọng nhất với ung thư là chẩn đoán. Điện quang và y học hạt nhân hiện là ngành đóng vai trò chủ đạo nhất trong thiết bị và công nghệ để chẩn đoán, điều trị ung thư và nhiều căn bệnh khác. Sự kết hợp điện quang (CT, MRI) và ngành y học hạt nhân (PET) trong cùng một thiết bị giúp cho độ nhạy, độ đặc hiệu tăng dẫn tới việc chẩn đoán, phát hiện bệnh dễ dàng hơn.
Người bệnh được chẩn đoán sâu tình trạng bệnh nhờ kỹ thuật hiện đại. Chẳng hạn, ung thư tuyến giáp cũng có thể chẩn đoán ngay từ khi chưa thấy dấu hiệu trên lâm sàng hay ung ưng thư vú cũng vậy. Từ đó, bác sĩ có thể dùng các kỹ thuật chọc hút, sinh thiết để phát hiện bệnh. Hoặc trước kia việc chẩn đoán các trường hợp xuất huyết não, đột quỵ… rất khó khăn hiện với kỹ thuật CT đã giúp chẩn đoán kịp thời, can thiệp lấy huyết khối… Nhờ đó việc cứu sống người bệnh tốt hơn, hạn chế tàn phế.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra ung thư có nhiều nhưng nhìn chung là có 2 nhóm yếu tố: bên ngoài (môi trường, lối sống…) và bên trong như tuổi, gen di truyền… Yếu tố di truyền chiếm tỷ lệ nhỏ, còn bên ngoài lại rất nhiều nên để phòng ngừa cần thay đổi từ yếu tố đó.
Do đó, mọi người cần chú ý điều chỉnh lối sống lành mạnh. Có chế độ ăn uống hợp lý như ăn nhiều rau quả, hạn chế đồ kích thích, chất béo, đồ ăn nhiều muối, đồ ăn ôi thiu…;Tăng cường luyện tập thể thao ít nhất mỗi ngày 30 phút, giữ tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi hợp lý, giữ môi trường sống sạch…; tiêm chủng đầy đủ HPV, viêm gan B… Ngoài ra, nên đi khám sức khỏe định kỳ. Ung thư nếu phát hiện sớm tỷ lệ chữa khỏi càng cao.
Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 23 của Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam vừa qua đã thu hút hơn 1300 các Giáo sư, bác sĩ cao cấp, chuyên gia hàng đầu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới và trong nước tham gia… Với gần 40 bài giảng, hơn 70 báo cáo khoa học tại hội nghị đã trao đổi các thông tin khoa học quý giá phục vụ công tác chuyên môn cho các kỹ thuật viên, bác sĩ. Tại đây bác sĩ, các kỹ thuật viên cập nhật được các máy móc, kỹ thuật mới, kiến thức mới, phục công tác khám, chữa bệnh, trong đó có điều trị bệnh ung thư… Với việc áp dụng các kỹ thuật hiện đại này, người được hưởng lợi chính là người bệnh, người dân.
Lời cảnh tỉnh sau vụ bé gái 1 tuổi liệt mặt vì nằm quạt sai cách
GiadinhNet – Dù đã được cảnh báo về nguy cơ liệt mặt, méo miệng hoặc mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp do các thói quen dùng quạt sai cách. Tuy nhiên, nhiều người, nhất là trẻ nhỏ vẫn gặp họa.