GiadinhNet – Theo các chuyên gia, tỷ lệ người mắc các bệnh về thận ngày càng tăng. Trong đó, suy thận là giai đoạn cuối của bệnh thận mạn tính. Nếu không được chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận, người bệnh sẽ khó duy trì được sự sống.
Sáng 28/9, theo thông tin từ người nhà và các học trò cho biết, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký – người thầy đầu tiên viết chữ bằng chân, tấm gương sáng cho bao thế hệ học trò – vừa qua đời sau thời gian “chiến đấu” với bệnh suy thận.
Đây là căn bệnh không chỉ gây gánh nặng cho sức khỏe thể chất, tác động đến yếu tố tinh thần mà còn khiến kinh tế nhiều gia đình rơi vào kiệt quệ.
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với các bệnh lý về thận và mỗi năm, bệnh lý này cướp đi mạng sống của 5 – 10 triệu người trên toàn thế giới. Đáng chú ý, những con số này được dự đoán sẽ ngày một tăng cao. Ước tính đến năm 2030, có đến 5,2 triệu người mắc bệnh thận và cần được chạy thận nhân tạo.
Tại Việt Nam, theo TS Nguyễn Thế Cường, Trưởng Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nước ta chưa có số liệu thống kê chính thức, song ước tính có khoảng 5 triệu người bị bệnh thận và mỗi năm có thêm khoảng gần 10 nghìn ca suy thận, cùng với gần 1 triệu người suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu.
Những bệnh lý về thận thường gặp hiện nay bao gồm: Sỏi thận, viêm cầu thận, suy thận cấp – mạn tính, ung thư thận… Trong đó, suy thận cấp và mạn tính là hai tình trạng rất phổ biến, do biến chứng từ nhiều bệnh lý khác.
Đáng chú ý, theo các chuyên gia, nguy cơ bị bệnh thận có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào từ trẻ em, thanh thiếu niên, trung niên đến người lớn tuổi và không phân biệt giới tính nam hay nữ.
Trong đó, một số người dễ tiến triển bệnh thận dẫn đến suy thận như: Người có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, bệnh di truyền như thận đa nang, hội chứng Alport; nhiễm khuẩn, nghẽn tắc hay bệnh bẩm sinh đường tiết niệu; bệnh Lupus ban đỏ hệ thống; bệnh phì đại và ung thư tuyến tiền liệt; dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) dài hạn như ibuprofen, ketoprofen và một số thuốc kháng sinh.
Bên cạnh đó, những người có thói quen ăn mặn, ăn nhiều mì chính, lối sống thiếu khoa học, hay ngồi nhiều, hay nhịn tiểu… cũng gia tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thận. Nếu không điều chỉnh, bệnh sẽ có nguy cơ tiến triển nhanh gây suy thận.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Lựu, Phó Trưởng Khoa Thận – Tiết niệu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, hàng ngày, Khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân suy thận, trong đó có khá nhiều trường hợp tuổi còn trẻ nhưng đã bị suy thận độ 3, thậm chí độ 4 mà không hề hay biết. Nếu người bệnh không đi khám kịp thời và điều trị thì chỉ thời gian ngắn có thế chuyển sang giai đoạn 4, giai đoạn 5 thậm chí rất nhiều trường hợp phải chạy thận lọc máu suốt đời.
Dấu hiệu nhận biết bệnh về thận
BS Nguyễn Thị Lựu cho biết, bệnh thận thường không gây ra triệu chứng điển hình cho tới khi đã tiến triển. Để phát hiện sớm bệnh thận có 3 cách: Thử nước tiểu, thử máu, đo huyết áp thường xuyên. Đã có nhiều trường hợp người bệnh thấy cơ thể mệt mỏi, cảm giác phù tăng lên nên đã tới Bệnh viện kiểm tra, từ đó kịp thời phát hiện ra bệnh và may mắn được điều trị khôi phục khả năng của thận.
Một vài dấu hiệu cảnh báo bệnh thận cần chú ý như:
Thay đổi khi đi tiểu: Những thay đổi như tiểu nhiều vào đêm, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hơn/ít hơn bình thường và nước tiểu có màu nhợt/màu tối, nước tiểu có máu, cảm thấy căng tức hay đi tiểu khó khăn…
Phù: Thận bị hỏng không loại bỏ được chất lỏng dư thừa nữa, do vậy chất lỏng tích tụ trong cơ thể khiến bạn bị phù ở chân, cổ chân, bàn chân, mặt…
Mệt mỏi: Những quả thận khỏe mạnh tạo ra một hormone gọi là erythropoietin, hormone này thông báo cho cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu mang ôxy. Khi thận bị hỏng, chúng tạo ra ít erythropoietin hơn, cơ thể có ít các tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy hơn, nên các cơ và đầu óc của bạn mệt đi nhanh chóng. Tình trạng này được gọi là thiếu máu do suy thận.
Ngứa: Thận có chức năng loại bỏ các chất cặn bã ra khỏi máu. Khi thận bị suy, sự tích tụ của các chất thải này trong máu có thể gây ngứa ở da.
Hơi thở có mùi amoniac: Sự tích tụ của các chất thải trong máu (được gọi là chứng urê huyết) có thể khiến thức ăn có vị khác đi và khiến hơi thở có mùi. Bạn cũng nhận thấy rằng bạn không thích ăn thịt nữa.
Buồn nôn và nôn: Do urê huyết gây nên tình trạng buồn nôn và nôn.
Làm gì để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh thận?
Để giảm thiểu nguy cơ suy thận, các chuyên gia khuyến cáo, những người có nguy cơ cao mắc các bệnh về thận không thể chủ quan mà cần tìm nguyên nhân để điều trị triệt để. Nguyên tắc chung để phòng bệnh thận là: Cần uống đủ nước mỗi ngày; thực hiện chế độ ăn hợp lý và cân bằng để tránh bị tăng trọng lượng và bị thừa cholesterol; hạn chế dùng muối, một yếu tố thúc đẩy tăng huyết áp.
Bên cạnh đó, không hút thuốc lá vì hút thuốc làm bệnh thận tiến triển nhanh hơn; tập thể dục thể thao mỗi ngày; không dùng thuốc khi không có hướng dẫn của thầy thuốc vì một số thuốc có hại cho thận; không lạm dụng thuốc nhuận tràng và thuốc lợi tiểu.
Khi thận bị suy, tùy theo mức độ suy thận, người bệnh cần ăn nhạt, kiêng mỡ, giảm chất đạm; dùng thuốc chống tăng huyết áp, chống thiếu máu… theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Trường hợp bị suy thận, nếu thấy buồn nôn, nôn, chán ăn, khó ngủ, nổi mẩn ngứa hoặc cảm giác bị thừa nước như phù, phù mặt, tăng huyết áp, suy tim; đau cơ, chuột rút, loạn nhịp tim; hoa mắt và chóng mặt; đau xương khớp, loãng xương…người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời, phòng ngừa biến chứng xấu có thể xảy ra.