Di chứng của đột quỵ khiến người bệnh bị yếu liệt… Bế tắc trước sức khỏe của bản thân, nữ bệnh nhân đã uống thuốc ngủ tự kết liễu cuộc sống của chính mình. Bác sĩ cảnh báo, bệnh nhân sau đột quỵ thường đối mặt với vấn đề sức khỏe tâm thần, người nhà cần quan tâm để tránh những hành động tiêu cực có thể xảy ra.
Ngày 29/8, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.L (68 tuổi, ngụ tại quận 6), nhập viện trong tình trạng lơ mơ, nhịp tim không đều. Qua chẩn đoán, bác sĩ xác định bà L bị ngộ độc do uống thuốc ngủ quá liều.
Khai thác nhanh bệnh sử của bác sĩ từ phía thân nhân người bệnh ghi nhận trước đó bà L bị đột quỵ. Di chứng sau đột quỵ khiến bệnh nhân bị yếu, liệt nửa người. Đang trong quá trình điều trị phục hồi, do tâm lý bất ổn, bệnh nhân trở nên ít nói, bi quan và chán nản. Trong lúc người nhà không để ý, bà L đã uống rất nhiều thuốc ngủ với ý định tự tử.
Các bác sĩ đã rửa dạ dày, hỗ trợ điều trị nội khoa tích cực để giải độc, đồng thời truyền dịch tĩnh mạch ngăn ngừa mất nước và ổn định các chức năng của cơ thể. Nhờ được can thiệp kịp thời, bệnh nhân may mắn qua được cơn nguy kịch.
Theo BS Phạm Thị Ngọc Quyên (khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược), người bệnh sau đột quỵ thường rơi vào tình trạng rối loạn lo âu, hoảng loạn. Các nghiên cứu trên bệnh nhân đột quỵ chỉ ra, khoảng 25% người bệnh đột quỵ và thiếu máu não thoáng qua bị rối loạn lo âu trong 5 năm đầu sau khi bệnh khởi phát. Ban đầu, người bệnh thường có những lo lắng, nếu không được phát hiện và điều trị thích hợp có thể tiến triển thành những cơn rối loạn hoảng loạn kịch phát từng đợt, kèm với những triệu chứng toàn thân như co quắp tay chân, thở nhanh…
Ở mức độ nặng hơn, người bệnh có thể bị rối loạn cảm xúc giả hành nếu tái phát đột quỵ nhiều lần. Đặc trưng của tình trạng này là sự bộc phát cảm xúc không phù hợp với hoàn cảnh. Chẳng hạn, người bệnh có thể cười trước sự việc buồn hoặc ngược lại.
Nguy hiểm hơn, người bệnh có thể rơi vào trầm cảm và có ý định tự sát. “Đây là rối loạn khí sắc thường gặp nhất, làm hạn chế khả năng phục hồi chức năng cũng như làm tăng nguy cơ tử vong gấp 10 lần ở người bệnh. Theo thống kê, khoảng 30% người bệnh đột quỵ còn sống phải trải qua giai đoạn trầm cảm trong năm đầu sau khởi phát bệnh và hơn 50% trong số này không được chẩn đoán hay điều trị” – BS Ngọc Quyên cho hay.
Ngoài ra, sau đột quỵ người bệnh có thể có những thay đổi về tính tình như dễ bực bội, thiếu kiên nhẫn, tự ti, mặc cảm và sống nội tâm hơn. Nỗi lo sợ dựa dẫm, làm phiền người thân do mất đi khả năng hoạt động độc lập có thể là căn nguyên cho những thay đổi cảm xúc trên.
BS Ngọc Quyên khuyến cáo, để quá trình phục hồi tổn thương sức khỏe và tâm lý ở người bệnh đột quỵ cần có sự cố gắng của chính bản thân người bệnh và quan trọng hơn là sự hỗ trợ từ người nhà cùng người thân xung quanh.
Người thân cần cảm thông, chia sẻ, đồng cảm và tạo điều kiện cho người bệnh tham gia các hội nhóm, gặp gỡ với những người xung quanh để lấy lại niềm vui và động lực sống. Bên cạnh đó, cần động viên người bệnh chia sẻ về những vấn đề về sức khỏe tinh thần của mình.
Trong trường hợp bị rối loạn cảm xúc cấp tính với biểu hiện nặng, gia đình cần đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ kịp thời. Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng một số thuốc điều trị kết hợp với liệu pháp tâm lý trị liệu để giúp bệnh nhân cân bằng cảm xúc, thoát khỏi những suy nghĩ, hành động tiêu cực.