GiadinhNet – Mới đây, nhiều đồng nghiệp bàng hoàng khi thông tin “nữ hoàng phòng trà” đình đám một thời Hà Lan Phương vừa qua đời vào sáng 19/9 do nhồi máu cơ tim.
Trưa 19/9, gia đình ca sĩ Hà Lan Phương cho biết nữ ca sĩ đột ngột qua đời ở tuổi 48 do bị nhồi máu cơ tim và tắc nghẽn động mạch. Sự ra đi của giọng ca này khiến nhiều bạn bè đồng nghiệp tiếc nuối.
Được biết, nữ ca sĩ sinh năm 1974, bén duyên với ca hát từ năm 15 tuổi. Hà Lan Phương có giọng hát nội lực cùng một trái tim yêu nghệ thuật đầy xúc cảm. Dấu ấn của cô để lại trong lòng khán giả là những bản tình ca da diết như Tình si, Mong chờ, Em muốn quên anh…
Hồi tháng 10/2021, Hà Lan Phương tiết lộ cô phát hiện mắc bệnh u vỏ bao thần kinh ngoại biên ác tính. Cô từng nói đây là loại u hiếm gặp, nằm ở cổ, gây đau đớn mỗi khi cô hát hoặc nói lớn. Bác sĩ nói với cô trong 1.000 người, chỉ hai người bị và cô là một trong số đó. Căn bệnh khiến cô khó thở vì bó mạch thần kinh chèn ép phổi.
Thời điểm phát hiện bệnh, ca sĩ khóc một tuần. Sau đó, cô chấp nhận mọi thứ, sống lạc quan, chiến đấu bệnh tật. Giọng ca Mong chờ từng cho biết nếu tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, tiến hành phẫu thuật và cắt bỏ khối u, cô sẽ mất giọng hát. Tuy nhiên cô quyết định không phẫu thuật. “Nhiệm vụ của tôi là đem tiếng hát cho đời. Tôi sẽ hát đến hơi thở cuối cùng”, Hà Lan Phương từng nói.
Nhồi máu cơ tim nguy hiểm thế nào?
Nhồi máu cơ tim đã trở thành căn bệnh phổ biến tại Việt Nam. Theo PGS, TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, nhồi máu cơ tim là bệnh lý cấp cứu, tỷ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời. Điều quan trọng là người bệnh cần phải nhận ra các dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim từ sớm và xử trí đúng cách để hạn chế nguy cơ tử vong xuống mức thấp nhất.
Những triệu chứng thường gặp của bệnh nhồi máu cơ tim bao gồm:
– Đau thắt ngực, mức độ đau có thể dao động từ ít như kiểu đè nặng, cảm giác nóng rát trước ngực trái đến đau nhiều như đau dữ dội giống dao đâm, siết chặt.
– Đau có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai trái, lưng, bụng hoặc cánh tay trái. Thời gian đau có thể kéo dài nhiều phút hoặc biến mất rồi lại xuất hiện.
– Ngoài cơn đau điển hình, bệnh nhân còn có các triệu chứng: Khó thở; đổ mồ hôi; buồn nôn, nôn ói; lo lắng; ho; chóng mặt; tim đập nhanh. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể không trải qua các triệu chứng như mô tả ở trên mà chỉ cảm thấy hơi mệt hoặc chỉ cảm thấy khó chịu vùng thượng vị.
Cơn đau thắt ngực có thể kéo dài hàng giờ, vì vậy khi có các triệu chứng trên, cần tìm kiếm sự giúp đỡ và đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
6 nhóm người cần đề phòng nhồi máu cơ tim
Độ tuổi U 50
Trường hợp nam giới và nữ giới ở độ tuổi trung niên bị nhồi máu cơ tim nhiều hơn so với người trẻ tuổi. Độ tuổi của nam giới thường là 45 tuổi trở lên và nữ giới là 55 tuổi trở lên.
Người có thói quen hút thuốc lá, chất kích thích
Thành động mạch có thể bị tổn thương nếu có thói quen hút thuốc hoặc tiếp xúc nhiều với khói thuốc. Đây là điều kiện để cholesterol tích tụ ở mạch máu và tăng nguy cơ hình thành máu đông.
Người mắc bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường là tình trạng cơ thể không đủ khả năng sản xuất đủ số lượng hoặc chất lượng insulin – một hormone giúp cơ thể sử dụng glucose. Bệnh tiểu đường thường xảy ra ở tuổi trung niên, tuy nhiên nó cũng có thể xuất hiện từ thời thơ ấu hoặc ở những người trẻ tuổi, và có thể gặp ở người thừa cân. Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ xảy ra cơn đau tim.
Người tăng huyết áp
Huyết áp cao có thể tổn hại đến động mạch bằng cách thúc đẩy xơ vữa động mạch. Tăng huyết áp thường liên quan đến tuổi tác, nhưng hầu hết là do thừa cân, chế độ ăn thừa muối, hoặc di truyền.
Người ít hoạt động thể chất
Lười hoạt động cũng góp phần tăng cholesterol trong máu và gây béo phì. Thường xuyên tập thể dục tim khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Người béo phì
Béo phì liên quan rất lớn với việc tăng cholesterol trong máu, tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, đây là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tim.